Quá trình phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.[13]

Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu Quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh thực hiện thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945[13]

Từ năm 1945 đến năm 1954 là thời kỳ phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu. Giải phóng quân đã phát triển từ một đội quân nhỏ trở thành Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội.

Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, thành lập các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 và giành Chiến thắng Điện Biên Phủ trước Thực dân Pháp ngày 7 tháng 5 năm 1954.[13]

Ngày 15 tháng 2 năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam được thành lập. Quân đội ta đã tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngày 23 tháng 12 năm 1978, mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công của Quân đội Polpot. Sau đó đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Cămpuchia, đánh tan 21 sư đoàn quân Polpot, xoá bỏ chế độ diệt chủng.[13]

Từ đó đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện nhiều đợt điều chỉnh biên chế, tổ chức, cắt giảm quân số. Hiện nay, lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng nửa triệu người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người.[13] Ngân sách quốc phòng dao động trong khoảng 5 - 6 tỷ USD, chiếm 2% - 3% GDP[14]. Đây là lực lượng quân đội mạnh trong khu vực và trên thế giới, mạnh hơn nhiều nước có quy mô nền kinh tế cao hơn Việt Nam[15] nhưng phần lớn trang bị, vũ khí do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ cách đây nhiều năm nên đến nay đã lạc hậu, cần phải thay thế trong tương lai gần.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quân đội nhân dân Việt Nam http://www.atimes.com/atimes/Central_Asia/EI05Ag02... http://www.acig.org/artman/publish/article_245.sht... http://web.archive.org/web/20050415035859/http://w... http://baotintuc.vn/xa-hoi/quan-doi-thuc-hien-tot-... http://www.chinhphu.vn/vanbanpq/lawdocs/QD109TTG.D... http://dantri.com.vn/chinh-tri/quang-nam-khanh-tha... http://www.bqllang.gov.vn/index.php?option=com_con... http://datafile.chinhsachquandoi.gov.vn/Qu%E1%BA%A... http://laws.dongnai.gov.vn/1991_to_2000/1999/19991... http://www.phunu.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/d...